Chú Giải Tin Mừng Thứ Bảy Sau Hiển Linh | Ga 3,22-30 | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
TIN MỪNG: Ga 3,22-30

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: 1 Ga 5,14-21

Hôm nay, chúng ta đọc phần kết luận thư thứ nhất của Thánh Gioan. Đây là lời mời cầu nguyện đặc biệt là cầu nguyện cho các tội nhân.

Này là sự chúng ta tin tưởng nơi Chúa là hễ chúng ta xin sự gì hợp ý Người, thì Người nhận lời chúng ta.

"Cầu nguyện" là dấu chỉ sự "thông hảo" của chúng ta với Thiên Chúa. Đây là dấu chứng tỏ rằng chúng ta hiệp nhất với Người, rằng chúng ta sống hợp ý Người... Lạy Chúa, xin giúp chúng con chỉ cầu nguyện hợp với điều Chúa muốn cho chúng con… Chúng con biết rằng Chúa muốn cho chúng con được lợi ích sâu xa nhất

Lời kinh Lạy Cha là một lời mời gọi của Chúa Giêsu:

"(Nguyện) cho ý Cha thể hiện…"

"Ai biết anh em mình phạm thứ tội...".

Đời sống kết hợp với Thiên Chúa không che mắt chúng ta. Ngược lại, nó làm cho chúng ta chú ý hơn tới vài sự việc. Chấp nhận những quan điểm của Thiên Chúa là trong

sáng về "'sự dữ", là ghi dấu sự "thiếu Tình yêu", là tự đáy lòng mình thấy đau khổ về mọi sự chống lại Thiên Chúa. Theo tinh thần được gọi là "kiểm điểm đời sống" bao hàm việc tìm kiếm này: một biến cố, một sự kiện của đời sống, khám phá tội lỗi đã lẻn vào những vô giá trị trộn lẫn…không phải để kết án hay xét đoán từ trên cao (một cám dỗ luôn tái sinh ) nhưng để chiêm ngưỡng công trình cứu chuộc của Thiên Chúa và để cầu nguyện cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được triển nở.

Nơi nào có tội lỗi, có Chúa ở đó làm Đấng cứu chuộc.

Ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa tới sự chết, hãy cầu xin và Người sẽ ban sự sống cho kẻ phạm thứ tội đó. 

Tội lỗi thúc đẩy cầu nguyện chứ không án phạt. Chấp nhận quan điểm của Thiên Chúa là trở nên cứu thế với Người. Chúa Giêsu đã nhắc lại cho chúng ta rằng: Thiên Chúa thương yêu các tội nhân, rằng Người cốt yếu là nhân lành cho mặt trời mọc lên trên người lành kẻ dữ. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã đến không phải vì Người mạnh, nhưng vì những ai cần thầy thuốc".

"Tôi không đưa tới sự chết". Thánh Gioan dùng sự phân biệt mà chính Chúa Giêsu đã dùng. Đây không hẳn là sự phân biệt cổ điển giữa "tội nhẹ" và "tội trọng"... nhưng về tội mà Chúa Giêsu gọi là tội phạm đến Thánh Thần" nghĩa là thối bỏ ánh sáng, không muốn nhìn rõ. Đây là tội nặng nhất.

Mọi sự bất chính đều là tội, nhưng có tội không phải đến chết. 

Đây là những tội không trực tiếp đả động đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.

Chúng ta biết rằng: ai sinh ra bởi Thiên Chúa thì không phạm tội, chính sự sinh ra bởi Thiên Chúa gìn giữ họ và ma quỷ khỏng làm gì được họ.

Tình trạng bất khả phạm tội mà Thánh Gioan nói tới hệ tại khả năng tránh mọi tội. Nhưng theo Người, tội thật duy nhất là mặt trái của sự thông hảo với Thiên Chúa nghĩa là tách lìa khỏi Thiên Chúa Ngài nói với tôi rằng tình trạng bình thường của người Kitô hữu là "không bị quỷ dữ xâm phạm". Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa.

Chúng ta cũng kinh nghiệm rằng nhiều tội thay vì kéo ta xa Chúa, lại đưa ta trở lại với Người… Khi chúng ta chân thành và trong sáng. Bởi vì chúng ta biết các giới hạn của mình và chỉ bởi sức nhân loại chúng ta không thể thành công trong cuộc sống.

Bài đọc II: Ga 3.22-30 

Chúa Giêsu đến đất Giuđêa và Người làm phép rửa. Cũng có Gioan làm phép rửa tại Ainon, gần Salim, vì ở đó có nhiều nước.

Có phải là một cuộc cạnh tranh, một xung đột giữa hai phái, một tranh giành giữa hai thứ phép rửa, một đối nghịch giữa hai nhà giảng thuyết nổi tiếng không ?

Xảy ra có cuộc tranh luận giữa các môn đệ của Gioan và người Do Thái về việc thanh tẩy. Họ đến cùng Gioan và nói với ông: Thưa Thầy, người đã ở với Thầy bên kia sông Giođan, mà Thầy đã làm chứng cho, nay cũng làm phép rửa và ai nấy đều đến cùng ông ấy."

Đối với họ, thực sự đó là một cuộc xung khắc… đặc biệt có vẻ bất nghĩa, bởi vì người ta nhận định mọi điều Chúa Giêsu có được là nhờ Gioan Tẩy Giả, có thể nói ông đã quảng cáo Người. 'Thế mà nhà làm Phép rửa mới này lại thành công hơn, lôi cuốn các đồ đệ và những đám đông của vị có trước.

Gioan trả lời rằng Người ta không tiếp nhận gì mà không bởi trời ban cho.

Gioan Tẩy Giả bày tỏ liền thái độ rất trong sáng của một người luôn hướng tới Chúa, không nhắm về mình hay về trần gian.

Mọi điều tốt lành trong tôi đều do Chúa, đều nhận từ trời ban!

Lạy Chúa, Con thử rà lại một chút về những điều tốt lành không phải để con kiêu căng, nhưng để tạ ơn Chúa.

Chính các ngươi đã làm chứng cho tôi là tôi đã nói: "Tôi không phải là Đấng Kitô, nhưng tôi được sai đến trước Người". 

Khiêm tốn, chân thật, trong sáng.

không muốn che lấp sự thành công của Chúa Giêsu, Gioan còn tỏ ra vui mừng trước sự kiện đó.

Lạy Chúa, xin giải chữa cho con khỏi những ghen tuông, những so bì mà con có thể bị đẩy đưa tới qua thái độ hành xử khi con thấy những đức tính của kẻ khác. Xin giúp con biết cảm ơn vì những thành quả của kẻ khác.

Ai cưới vợ thì là người chồng, còn bạn hữu của tân lang đứng mà nghe tân lang nói, thì vui mừng vì tiếng nói của tân lang.

Không, không có một xung khắc nào giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu: chính Gioan tự hạ mình dưới chân Chúa Giêsu để nhường chỗ cho Đấng mà ông loan báo.

Một truyền thống lâu đời, đáng kính trong Cựu ước đã giới thiệu Thiên Chúa như Hôn Phu của nhân loại (Hs 2,2; Ed 16,8 ; Is 62,4).

Truyền thống này cũng được sử dụng lại trong toàn bộ Tân Ước (2 Cr 11,2 ; Ep 5,25; Kh 21,2 - 22,17).

Thiên Chúa - Hôn Phu. Thiên Chúa - Tình yêu. Thiên Chúa Giao ước.

Đây không phải là những đề tài; những ý tưởng chỉ để suy niệm nhưng còn là một thực tại mầu nhiệm để sống.

Vì thế ta dám xưng hô với Thiên Chúa: Tình yêu của con… Người con cưng mến... Sự âu yếm của con..."

Và như thế; ta thử sống xem sao. Lạy Chúa, con không xứng đáng, nhưng xin Chúa chỉ phán một lời, và con sẽ có thể đáp lại Tình yêu của Chúa.

Vậy niềm vui của tôi như thế này là đầy đủ. Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.

không chút gì cay đắng. Việc từ khước mọi ham vọng cá nhân khiến ông hoàn toàn vui vẻ.

Tôi ước muốn cho mềm vui đó ở trong tôi và trong mọi người biết bao. Niềm vui của Gioan phát sinh vì được gần cận với Hôn Phu.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Gioan làm chứng về Đức Kitô

HOÀN CẢNH:

Mừng lễ vượt Qua xong(Ga 2,13 -3.21) Đức Giê su và các tông đồ ở lại Giu-đê, nhận thấy nhiều người tin theo lời ngài giảng dạy Đức Giêsu truyền cho các Tông Đồ làm phép rửa để nhận họ vào các tín đồ. Các môn đệ Gioan thấy Đức Giêsu sai các môn đệ làm phép rửa, nên đã có cuộc tranh luận giữa các môn đệ Gioan và người Do-Thái về việc thanh tẩy.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại việc ông Gioan tẩy giả làm chứng lời của ông về Đức Giêsu Kitô

TÌM HIỂU:

"Đức Giêsu và các môn đệ…"

Những Câu này giới thiệu nhân vật nơi chốn, và hoàn cảnh của câu chuyện để làm nổi bật vai trò cứu thế của Đức Giêsu.

"Có cuộc tranh luận xảy ra …"

Ghi lại việc tranh luận giữa môn đệ của Gioan và người Do-Thái về việc thanh tẩy, là cơ hội cho Gioan làm chứng về sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu.

"Chẳng có ai có thể được gì mà không do trời ban":

Gioan xác định mọi điều tốt lành đều bởi Thiên Chúa ban cho. Vậy việc Chúa Giêsu làm phép rửa và ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của quần chúng đông đảo, nói lên thế giá của Người.

"Tôi đây không phải là Đấng Kitô . . .":

Để làm chứng về Đức Giêsu, Gioan đã xác định thân thế cao cả của Người bằng cách tự nhận mình là người dọn đường cho Chúa mà thôi.

"Ai cưới cô dâu. . .":

Để giải thích rõ về xác quyết trên, Gioan đã dựa vào truyền thống lâu đời trong cựu ước để giới thiệu Chúa như vị Hôn Phu của nhân loại (Hs 2,21; Ed 10,8; Is 65,4; Cr 11,2; Kh 21,2; 22,7)

Theo tục lệ Gio-Thái Người phụ rể đứng tổ chức đám cưới. Đến ngày rước dâu, người phụ rể (Gioan) để chính chàng rể (Đức Giêsu) làm chủ đám cưới và lùi xuống làm người giúp việc. Sự lôi xuống địa vị thấp kém chằng nhưng không làm cho người phụ rể buồn mà còn coi đó là một vinh dự và vui mừng vì đã hoàn tất vai trò phụ rể của mình.

Vậy theo Gioan, Đức Giêsu là chàng rể đến phối hợp với nhân loại, bạn trăm năm của người; còn ông chỉ là phù rể. Tiệc cưới chính là việc cứu chuộc nhân loại đã bắt đầu, ông xin rút lui và Đức Giê-su phải làm chủ tiệc.

Gioan chối mình không phải là Đấng cứu thế và một lần nữa, tự xưng mình là tiền hô của Đức Giêsu là Cứu Chúa.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Cuối Tuần lễ mừng cuộc Hiển Linh của Chúa Giêsu, chúng ta được chứng kiến việc Chúa tỏ mình ra như Đấng bắt đầu hành động để cứu thế bằng cách đến đất Giu-đê và làm phép rửa cho nhiều người.

Nhìn vào Chúa Giêsu:

Chúa Giêsu cùng các môn đệ đến miền Giuđê và làm phép rửa. Người làm phép rửa. Người làm phép rửa để ban ơn tha thứ, và vì vậy có đông đảo dân chúng kéo đến; đang khi đó Gioan cũng làm phép rửa, nhưng đây chỉ là phép rửa sám hối để đón nhận Chúa Cứu Thế, vì thế sứ vụ của Gioan phải nhỏ xuống để cho sứ vụ và con Người của Chúa lớn lên.

Công việc tông đồ càng làm vì danh Chúa,thì càng ảnh hưởng đến tha nhân. Vì thế khi thi hành việc tông đồ, chúng ta phải quên mình đi để Chúa và tâm tình của Người nổi bật lên, khiến người đón nhận và chứng kiến dễ cảm nghiệm về Chúa.

Chúa Giêsu được Gioan giới thiệu như chàng rể trong tiệc cưới, mà tiệc cưới được hiểu như thời cứu độ.Công việc tông đồ là công việc thuộc chương trình cứu độ của Chúa, vì thế luôn luôn phải mang đặc tính cứu độ. Có nghĩa là tạo nên niềm vui,sự phấn khởi và hy vọng cho con người.

Nhìn vào Gioan Tẩy Giả:

- Ông là người khiêm tốn, vì ông đã tự nhận mình chỉ là người dọn đường cho Đấng cứu thế: Người cần phải lớn lên,còn tôi thì nhỏ đi…

- Ông là người chân thật, vì ông đã không nhận mình là Đấng cứu thế như người ta nghĩ.

- Ông là người trong sáng, vì ông không muốn che lấp sự thành công của Chúa Giêsu khi môn đệ ông thắc mắc về việc các môn đệ Chúa Giêsu làm phép rửa

Nhìn vào môn đệ của Gioan:

- Vì ghen tuông, ganh tỵ nên các môn đệ của Gioan đã không nhận ra sự thật và giá trị các môn đệ Chúa Giêsu làm.Cũng vậy, nếu chúng ta để tâm cạnh tranh, ganh tỵ, độc đoán và độc quyền trong công việc,thì ý tưởng và quan niệm cũng như nhận xét của chúng ta về tha nhân sẽ chủ quan và sai lầm.

Các môn đệ của Gioan chỉ biết Thầy mình mà không biết ý nghĩa công việc của thầy mình để dọn đường cho Đấng Cứu Thế,nên đã không thống nhất với thầy trong công việc. Rút kinh nghiệm này, người tông đồ biết Chúa thì phải biết ý nghĩa giá trị những việc Chúa làm, kể cả những việc không hợp ý riêng của mình nữa. Nếu không vậy thì người tông đồ chỉ làm theo ý Chúa trong những công việc phù hợp với ý muốn của mình,có những công việc khác thì tìm lý do để tránh né.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.